Các giai đoạn “ khủng hoảng” của trẻ cần sự quan tâm đặc biệt từ cha mẹ

Thật ra, cái gọi là “khủng hoảng” chỉ là cách nói của người lớn đối với con trẻ thực chất các giai đoạn này là sự đánh dấu sự trưởng thành của trẻ. Nếu bạn thật sự hiểu được nhu cầu tâm lý phía sau hành vi nổi loạn của trẻ, tôn trọng sự trưởng thành của con, bạn sẽ không phải phiền não vì những điều này nữa. Các bậc cha mẹ hãy cùng Kỹ năng sống thế hệ mới quan tâm và chú ý 3 giai đoạn trưởng thành quan trọng với trẻ nhé.


Giai đoạn thứ nhất: Khủng hoảng tuổi lên 3
Giai đoạn 2-3 tuổi là độ tuổi mà trẻ bắt đầu biết tự ý thức, vì vậy trẻ sẽ biến từ “bé ngoan” trở thành “bé quậy” khiến chúng ta không biết phải làm sao.
Việc mà trẻ thích nhất là nói “không” để đáp lại và làm ngược lại yêu cầu của người lớn. Ví dụ như “Con ngủ nhé!”- “Không ngủ!”, “Con ăn đi!” -“Không ăn!”, “Chào cô đi con!”- “Không chào!” v.v… Một số người cho biết con của họ khi hơn một tuổi đã bắt đầu nổi loạn như vậy rồi, đây có thể là do khi người mẹ trò chuyện cùng con thường thích ra lệnh cho con đừng làm gì đó, không được làm gì đó, trẻ sẽ sớm học được cách nói “không”.
Con cái chính là tấm gương của cha mẹ, bạn làm gì cũng sẽ phản chiếu lên trẻ. “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình” điều quan trọng để thay đổi con vẫn là phải thay đổi chính bản thân mình. Hơn nữa, tuy trẻ có ý thức riêng khá mạnh, nhưng trong mối quan hệ với mọi người, có rất nhiều điều trẻ không biết cách biểu đạt ý kiến của bản thân như thế nào, ví dụ khi người khác lấy đồ chơi của trẻ, trong tình huống “cấρ bách” đó, trẻ sẽ nổi loạn và thực hiện một số động tác như đấm đá, gào khóc để ăn vạ …
Một là bởi vì đây là thời kỳ hay được gọi là “ngứa ngáy tay chân”; hai là bởi vì trẻ chưa biết cách biểu đạt ý kiến của bản thân nên sẽ phản ứng bộc phát theo cách mà mình nghĩ trong lúc hoảng loạn. Vậy cha mẹ nên dạy con thế nào vào thời kỳ này?
1. Để trẻ lựa chọn
Trước khi yêu cầu trẻ, hãy dùng cách cho con hai sự lựa chọn. Ví dụ như “Con muốn ăn cơm hay mì?”, “Bây giờ chúng ta đi hay 5 phút nữa?”,”Giờ con thích đi ngủ luôn hay nghe mẹ kể chuyện 10 phút rồi ngủ? v.v…
Thật ra thì trẻ cũng không muốn xung đột quá nhiều với cha mẹ, thông thường lúc này trẻ sẽ lựa chọn trong phạm vi bạn đưa ra. Làm như vậy bạn vừa có thể dẫn dắt con, bên cạnh đó còn giúp trẻ cảm thấy bạn rất tôn trọng trẻ, trẻ sẽ có cảm giác được tự chủ.
2. Đừng dùng giọng ra lệʼnh để trò chuyện cùng con
Ví dụ như: “Không được vứt đồ chơi lung tung!”. Thật ra, bạn chỉ cần nói rằng: “Con chơi xong đừng nên vứt đồ chơi lung tung, nhớ thu dọn lại cho gọn gàng nhé con” thì trẻ sẽ vui vẻ chấp nhận. Cha mẹ thô lỗ, trẻ sẽ học theo tính thô bạo của bạn rồi sau đó không ngừng “lấy độc trị độc”, vì vậy người lớn trước tiên hãy thay đổi 1% thì con sẽ thay đổi 99%.
3. Cho con thời gian chuẩn bị
Tuy trẻ chơi là chính, thế nhưng đó cũng là “công việc” của riêng con, không phải bạn lớn tiếng bảo dừng thì trẻ sẽ buộc phải ngừng lại ngay, bạn phải cho trẻ thời gian để phản ứng.


Ví dụ như trước khi ra ngoài hãy nhắc trẻ trước rằng: “Năm phút sau chúng ta sẽ ra ngoài nhé!” hoặc thay câu “Mau rửa tay rồi ăn cơm. Đừng lề mề nữa!” bằng “Con à, năm phút nữa chúng ta ăn cơm nhé, con đi rửa tay sạch sẽ ăn cơm sẽ ngon hơn nào!”, thử nghĩ mà xem, trẻ sẽ vui vẻ chấp nhận câu nói nào hơn? Cách nói khác nhau tất nhiên kết quả thu về sẽ khác nhau.
4. Trò chuyện, làm gương cho con
Đứa trẻ mà một tay chúng ta nuôi lớn từ lâu đã biết rõ tính khí của mẹ, vì vậy sẽ trẻ chiến thắng cha mẹ một cách dễ dàng bằng cách “đấu trí”. Nếu cha mẹ có thể trò chuyện với con nhiều hơn, không cần phải dạy dỗ, cũng không cần giảng đạo lý, chỉ là chơi cùng con, làm cho con xem, thì trẻ tự nhiên sẽ hiểu quy tắc là gì, từ đó cha mẹ và con cái sẽ thiết lập được quy tắc chung để cùng thực hiện.
Giai đoạn thứ hai: 7–9 tuổi


Sau khi trẻ vào tiểu học, những người trẻ trò chuyện chủ yếu không còn là người thân, hàng xóm nữa mà là bạn học và giáo viên. Khi vào tiểu học, trẻ sẽ cảm thấy mình lớn rồi, có thể tự quyết định, muốn thoát khỏi sự khống chế của cha mẹ, thế nên trẻ sẽ trở nên thích “cãi lại” người lớn.
Thế nhưng các bé vẫn rất cần người lớn, vẫn vô tư làm nũng trước mặt cha mẹ, mong cha mẹ giải quyết vấn đề mà mình gặp khó khăn khi không biết xử lý thế nào.
Vì trẻ đã thay đổi rồi nên cách giáo dục của cha mẹ cũng phải thay đổi theo, đối với những trẻ trong độ tuổi nổi loạn này, cha mẹ nên dùng cách tương tác nhiều hơn để trò chuyện và hiểu con. Học cách lắng nghe suy nghĩ và quan điểm của con rồi mới bình luận.
Cha mẹ có thể thể hiện quyền một cách vừa phải, có những việc trẻ có thể tự làm thì cứ để trẻ làm. Hãy cho con cảm thấy được tôn trọng và khẳng định. Ví dụ như đối với việc nuôi dưỡng sở thích của con, khi trẻ không thích chơi đàn, mẹ có thể bàn bạc cùng con: “Có phải con có sở thích khác không?” hay “Có phải con muốn theo môn năng khiếu nào đó không?” v.v.. hãy xây dựng theo sở thích của trẻ, con vui thì mẹ cũng thoải mái, tăng động lực học tập thì mới đạt hiệu quả cao.
Đương nhiên là trong thời kỳ này, thành tích học tập của con có thể sẽ không được ổn định và trẻ sẽ trở nên nổi loạn hơn nếu không được dẫn dắt đúng đắn.
Lúc này, cha mẹ cần có mẹo để hóa giải thái độ đối kháng của con, cha mẹ nên thương lượng với con nhiều hơn, đừng tỏ ra chuyên quyền. Ngoài ra, hãy giúp các bé hình thành thói quen và quy luật sinh hoạt tốt trong giai đoạn này
Giai đoạn thứ ba: 12–15 tuổi
Thời kỳ dậy thì tốt đẹp của trẻ thường diễn ra trong độ tuổi từ 12–15. Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, do tâm lý vẫn còn chưa phát triển đầy đủ, bất ổn định, nên trẻ thường xuyên cảm thấy thất bại, ở trong trạng thái lo âu.
Trong thời kỳ này, trẻ rất trọng thể diện, lòng tự tôn rất mạnh, vô cùng dễ bị ảnh hưởng từ bạn bè và hay làm những việc thách thức cha mẹ. Đối với các bé đây chỉ là một “lời tuyên ngôn độc lập” mà thôi.
Vào thời kỳ này, nếu cha mẹ muốn ép con nghe lời bằng “uy quyền” thì gần như chắc chắn là sẽ khiến tâm lý nổi loạn của con càng mạnh thêm.
Cha mẹ cần cố gắng ít can dự vào việc của con, hãy cho con không gian độc lập. Cứ cho là trẻ làm sai gì đó cũng nên cố gắng bỏ qua những việc nhỏ nhặt không đáng, chỉ chọn những vấn đề quan trọng nhất và trò chuyện với con về những vấn đề đó khoảng mỗi tuần/tháng một lần.

Các hội chứng tâm lý dễ mắc ở tuổi dậy thì
Trò chuyện, chia sẻ cùng con


Khi trò chuyện cùng con, cha mẹ đừng nên thao thao bất tuyệt, nói dài dòng. Chỉ khi nói ít, trẻ sẽ chăm chú lắng nghe hơn và mới xem trọng những lời bạn nói. Cha mẹ cần bắt đầu xem con là một cá thể độc lập, đối xử công bằng, ủng hộ con tự mình trải nghiệm, cổ vũ và an ủi khi con thất bại, khẳng định và khen ngợi khi con thành công.
Ngoài ra, cha mẹ có thể cho con xem một số những quyển sách tích cực, ví dụ như tự truyện của các danh nhân để trẻ có hình mẫu để học tập, tự kiểm soát hành vi của bản thân.
Bên cạnh đó, hãy đưa con đến nhiều nơi khác nhau vào thời kỳ này để con tiếp xúc với nhiều người, đưa con đi cảm nhận v.v… nhằm cho con một môi trường giao tiếp xã hội lành mạnh.
Sự lý tính và cảm giác tin tưởng của cha lúc này càng dễ khiến con nghe theo, dễ trò chuyện với trẻ hơn là một người mẹ hay lo âu, vì vậy cha nhất định phải có mặt trong quá trình trưởng thành của con.
Không những vậy, cha mẹ cần yêu thương nhau, không khí gia đình càng căng thẳng thì trẻ càng dễ nổi loạn.
Sự nổi loạn hoàn toàn không phải là sai lầm không thể tha thứ, càng không phải là vấn đề không thể giải quyết. Đối với trẻ, đây là cơ hội để nhận thức và phát triển bản thân, người làm cha mẹ không cần quá lo lắng, chỉ cần bỏ đi “quyền uy” vốn có, bình tĩnh đón nhận, dẫn dắt con một cách đúng đắn, cùng ” đồng hành”, cùng con học tập, cùng con lớn lên là được.

0344 118 366