DẠY CON QUA NHỮNG QUY TẮC TRÊN BÀN ĂN

Người Việt xưa có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Qua đó có thể thấy cha ông ta đã chú trọng việc giáo dục con trẻ từ những việc nhỏ xung quanh mình. Nhưng khi xã hội phát triển nhanh chóng, cuộc sống ngày càng hiện đại hơn thì việc xuề xòa trong cách sinh hoạt hàng ngày của trẻ vô hình chung đã làm mất đi nề nếp gia đình Việt và quan trọng hơn nữa là việc giáo dục nhân cách cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày bị coi nhẹ.
Thưở xưa, con trẻ cần phải biết kính trên, nhường dưới. Khi ngồi vào ăn cần đợi đầy đủ người rồi mới ăn; trước khi ăn trẻ cần mời người lớn trước theo vai vế: ông bà, cha mẹ, anh chị; cầm đũa cũng cần học cho đúng; tư thế ngồi ngay ngắn; khi ăn không phát ra tiếng. Ngày nay, chúng ta lại quên đi điều đó và để trẻ có thể thoải mái hơn: “Con mời cả nhà ăn cơm” thậm chí thích thì mời không thích thì thôi. Trẻ ăn uống thì ông bà, bố mẹ, phục vụ dỗ dành hàng giờ để ăn xong một bữa. Chúng ta đôi khi chú trọng tới việc con có ăn no, ăn ngon hay không mà đã quên mất việc dạy con ăn như thế nào và thái độ ra sao. Hiện tại số gia đình giữ được nếp văn hóa truyền thống này còn rất ít. Đa phần đã quên đi việc giáo dục nề nếp, đạo đức cho con thông qua sinh hoạt hàng ngày. Có nhiều bạn nghĩ “ thôi để dạy sau”, “lớn rồi sẽ biết” mà bỏ qua việc này hoặc có người nghĩ xã hội phát triển rồi thì mọi việc cũng nên “nghĩ thoáng” đi một chút.
Có câu chuyện như sau: Có công ty tuyển nhân viên và có một nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ một trường đại học danh giá, kết quả thi viết của ứng viên này rất xuất sắc. Ứng viên này đã được mời đến dự buổi tiệc phỏng vấn của các vị quản lý trong công ty. Lúc mới đến ứng viên này rất tự nhiên hòa nhập vào bữa tiệc nhưng sau khi anh ta ăn xong và đứng lên thì chỗ anh ta ngồi có rất nhiều vết nước tương và thức ăn vương vãi xung quanh. Cảnh tượng này khiến mọi người thất vọng về ứng viên này và bộ phận tuyển dụng đã nói với ứng viên này: “Tuy anh là ứng viên rất ưu tú nhưng công ty không thể tuyển dụng anh được“. Qua đó ta có thể thấy những người không có lễ nghi trên bàn ăn không chỉ phản ánh thói quen của cá nhân mà còn cho thấy sự giáo dục của cha mẹ.
Vì vậy hãy cùng Kỹ năng sống thế hệ mới tham khảo xem trẻ em nên được giáo dục trên bàn ăn như thế nào và bố mẹ có thể áp dụng với con nhé!


Ngày nay rất nhiều gia đình có con nhỏ thường cho con ăn trước rồi mình mới ăn. Điều đó, giúp cho các bố mẹ rảnh rang khi ăn nhưng việc ăn trước như vậy khiến trẻ không học được các quy tắc cần thiết trên bàn ăn. Và nếu không được trang bị các nguyên tắc sống lúc nhỏ thì khi lớn lên, hình ảnh của con rất xấu, bất lịch sự thậm chí gây phiền hà cho người khác và gây bất lợi cho bản thân vì thói quen của mình.
Khi con đã ngồi được vào ghế ăn (tầm 6 tháng), cha mẹ nên cho con ngồi ăn cùng.
Nếu con chưa ăn được đồ ăn của cha mẹ, hãy chuẩn bị 1 vài miếng ăn vặt như rau củ luộc để con được tham gia vào bữa ăn gia đình và từ đó việc giáo dục nề nếp (xa hơn là nhân cách) cho con cũng được bắt đầu.
Khi các con 1 tuổi, cha mẹ nên dạy con tập bốc, 2 tuổi thì tập dùng thìa. Bắt đầu từ đây, các nguyên tắc bàn ăn được cha mẹ truyền đạt đến cho trẻ.
Việc dạy đạo đức cho con rất cần phải làm từ những việc nhỏ hàng ngày. Các bậc cha mẹ không nên chỉ dạy bằng cách nhồi nhét kiến thức hay chỉ chú trọng đến thành tích mà bỏ quên những việc nhỏ nhưng rất quan trọng như:
1. Chuẩn bị mâm cơm và dọn mâm sau ăn
Trẻ từ 3 – 4 tuổi đã có thể giúp mẹ chuẩn bị bàn ăn. Con có thể lấy đũa, thìa, bát và xếp vào chỗ cho cả nhà. Được tham gia vào khâu chuẩn bị, con sẽ ý thức và tự giác hơn.

Trẻ tham gia dọn bữa ăn cho gia đình


Lớn hơn chút nữa con có thể chuẩn bị bát nước chấm, tăm, giấy ăn cho cả nhà,con còn có thể là người bê những đĩa đồ ăn lên bàn. Cha mẹ cần hướng dẫn con sắp xếp bàn ăn cho phù hợp.
Nguyên tắc: bát canh cần đặt ở gần nồi cơm vì việc vươn tay qua bát canh để gắp thức ăn sẽ gây khó khăn cho người ngồi phía cuối bàn ăn.
Các món ăn cần được sắp xếp làm sao để mọi người trong mâm đều dễ dàng gắp được. Nếu nhà quá đông người, nên chia thức ăn vào các đĩa nhỏ.
Khi dọn mâm, nhớ hướng dẫn trẻ dọn và sắp xếp các âu nhỏ để đựng xương, đầu tôm, hạt thóc còn sót trong cơm…
Nếu có thành viên trong gia đình bận việc riêng chưa thể ngồi ăn cùng lúc với cả nhà thì nhất thiết phải để phần người ăn sau vào đĩa riêng trước bữa ăn, không để phần bằng những thức ăn thừa còn lại sau khi đã ăn xong.
Không để các vật dụng cá nhân lên bàn ăn như là máy tính xách tay, điện thoại di động, đồ chơi của trẻ…
Ăn xong, con và bố mẹ cùng bê thức ăn thừa để cất gọn vào các hộp để đồ ăn, dọn bát vào chậu rửa, rửa bát, lau bàn ghế, quét dọn sạch sẽ khu vực bàn ăn.

HÌNH THÀNH THÓI QUEN DỌN DẸP TỪ NHỎ CHO TRẺ – Giúp Việc Xanh
Trẻ giúp mẹ lau dọn bàn ăn


2. Mời cơm và các quy tắc giao tiếp trong bữa ăn

“Khi vào mâm, tất cả đều cần mời trước khi ăn cơm. Cha mẹ nên mời trước, mời tất cả mọi người trong nhà và cả các con để các con học cách mời. Nếu con mời sai, cha mẹ cần điều chỉnh và nhắc nhở ngay lập tức”.
Trong mâm cơm Việt, người lớn tuổi nhất sẽ là người cầm đũa gắp miếng đầu tiên. Điều này, dạy trẻ sự kiên nhẫn chờ đợi và biết kính trên nhường dưới.
Khi trẻ em muốn ăn món ăn ở xa tầm gắp, phải nhờ người lớn lấy hộ chứ không được nhoài người trên mâm để cố gắp thức ăn.
Nhất thiết nói cảm ơn, xin phép sau bữa ăn, điều đó sẽ khiến trẻ hiểu về những vất vả của người chuẩn bị bữa ăn. Cha mẹ nên cảm ơn trước và nhắc con làm việc này.


Những quy tắc “vàng” con cần được chỉ bảo:
Trong bữa ăn, cần có nguyên tắc để dạy con. Bố mẹ hãy nhớ các quy tắc “vàng” này nhé!

– Không gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng, phải đặt vào bát riêng rồi mới ăn.
– Không dùng thìa đũa cá nhân của mình quấy vào tô chung hoặc xới lộn đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hơn.
– Khi chấm thức ăn vào bát nước chấm chung, không nên nhúng cả đầu đũa, miếng đã cắn dở không nên chấm hoặc phải đảo đầu chưa cắn để chấm.
– Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm. Khi đưa bát xin cơm, nhất định con phải đưa bằng 2 tay, tuyệt đối tránh cơm đầy trong miệng mà nói, cơm sẽ bắn tung tóe gây mất vệ sinh và khiến hình ảnh con trở nên xấu xí hơn.
– Dù ngồi ăn trên chiếu hay trên ghế, đều không được rung đùi, điều này rất vô lễ.
– Muỗng múc canh phải đặt úp trong bát và xoay tay cầm ra phía ngoài và tuyệt đối không được để ngửa muỗng múc canh lên.


Không gõ đũa, bát thìa hoặc tạo tiếng ồn khi ăn (ví dụ húp soàm soạp, nhai chóp chép).
– Dù trong khuôn khổ gia đình hay khi làm khách, tuyệt đối không chê khi món ăn chưa hợp khẩu vị mình.
– Điều này cực kỳ quan trọng vì không đơn thuần là phép lịch sự mà còn là một phần giáo dục nhân cách.
Nếu không được dạy nghiêm túc, trẻ em từ chỗ phản ứng tự nhiên do khẩu vị sẽ tới chỗ tự cho mình quyền chê bai, phán xét, không trân trọng thành quả lao động của người khác.
Món không ngon với người này nhưng ngon với người khác, và có được nhờ công sức của rất nhiều người.
Đặc biệt, trong bữa cơm, cần dạy trẻ không gắp liên tục một món, dù đó là món khoái khẩu của mình.
– Phải ăn hết thức ăn trong bát, không để sót hạt cơm nào. Để trẻ có thói quen bỏ dở cơm về sau trẻ sẽ không biết quý trọng và tiết kiệm đồ ăn. Thái độ ăn phải từ tốn, không ăn hối hả hoặc vừa đi vừa nhai.
– Nếu ăn gặp xương hoặc vật lạ trong thức ăn, cần từ từ lấy ra, không được nhè ra toàn bộ tại bàn. Nếu bị cay thì xin phép ra ngoài hắt hơi, xỉ mũi.


Có rất nhiều điều trẻ cần được chỉ dạy nhưng cha mẹ nên chỉ dạy cho bé dần dần và tránh không nên biến giờ ăn sum họp gia đình thành giờ chất vấn con cái những chuyện khác ngoài cuộc sống như chuyện học hành, bạn bè… Nếu cha mẹ to tiếng và luôn quát mắng con cái trong giờ ăn sẽ khiến tâm lý trẻ ức chế và dẫn đến việc trẻ sẽ không còn cảm thấy ngon miệng gây cản trở đến việc hấp thụ thức ăn. Cách dạy nhẹ nhàng và nhắc nhở dần dần mỗi ngày giúp con vào nề nếp sẽ giúp trẻ dễ tiếp thu hơn. Cha mẹ hãy để mỗi thời khắc bên con thật ý nghĩa và vui vẻ nhé!


0344 118 366