6 điều cha mẹ nên “ làm ngơ” để con tự lập và trưởng thành hơn

Sự trưởng thành ở trẻ em thể hiện ở nhiều khía cạnh như: tình cảm, thể chất, đạo đức, kĩ năng xã hội và trí tuệ.
Dưới đây sẽ là một số cách đơn giản để các bậc cha mẹ có thể giúp cuộc sống của con mình trở nên tốt đẹp hơn và khiến trẻ vẫn cảm thấy tự do để lớn khôn và trưởng thành hơn trong cuộc sống:


1.Giúp con phát triển tính tự lập
Với những trẻ ở độ tuổi nhỏ như mẫu giáo hay trẻ mới bước vào lớp 1 bố mẹ có thể làm mẫu cho con vài lần hoặc làm cùng con việc chuẩn bị đồ dùng và sách vở theo thời khóa biểu của con sau đó bố mẹ tự để trẻ làm và giúp con kiểm tra lại. Với các bạn lớn hơn tốt hơn hết là bố mẹ đừng làm hết mọi thứ cho con mình và hãy để trẻ phải học cách tự mặc quần áo, thắt dây giày… và xáçh ba lô đến trường.
Tất nhiên, bố mẹ có thể làm điều đó nhanh hơn và khéo léo hơn, nhưng hãy nên kiên nhẫn và đợi trẻ tự tìm hiểu. Không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể ở bên để giúp đỡ và trẻ nên biết rằng trẻ có khả năng làm tất cả những việc đơn giản và trẻ có khả năng tự lập. Bố mẹ cũng đừng quên động viên khích lệ con khi con tự làm được hết các việc tự phục vụ bản thân con hay làm việc nhà chia sẻ với cha mẹ nhé.
2.Cho trẻ cơ hội để tự lựa chọn


Hãy để trẻ được đưa ra lựa chọn. Bố mẹ không nên chọn quần áo, đồ chơi và sở thích cho trẻ, hãy để trẻ có cơ hội tự quyết định xem chúng thích gì và không thích gì.
Bố mẹ có thể giúp tư vấn và thảo luận về lựa chọn của trẻ. Nhưng không nên nghĩ rằng bố mẹ hiểu rõ hơn trẻ về những gì chúng muốn. Bản thân trẻ biết điều này và bố mẹ chỉ cần trao cho chúng cơ hội để trẻ đạt được điều chúng muốn mà thôi.
3. Hãy để trẻ đi một mình (nếu có thể)
Không cần phải giám sát con mình ở khắp mọi nơi. Với những trẻ lớn, các em có thể đi bộ, đi xem đạp đến trường một mình hoặc đi xe buýt của trường. Tất nhiên, nếu bố mẹ tự đưa trẻ đi, chắc chắn sẽ cảm thấy an tâm hơn.
Ở độ tuổi lớn hơn, có ý thức hơn, trẻ đã được trang bị các quy tắc an toàn và hiểu cách ứng xử trên đường phố qua các giờ học Kỹ năng sống. Ngoài ra, nếu trẻ đi cùng bạn bè, hãy để bọn trẻ đi cùng nhau và thảo luận về bài tập về nhà và đồ chơi mới trên đường đi, đây là khoảnh khắc tuyệt vời để trẻ có thể có thêm sự gắn kết với bạn bè.
4. Dạy con tính tự chủ


Trẻ con thường rất dễ xúc động. Chúng có thể vui sướng điên cuồng hoặc khóc to đến mức cả đường phố có thể nghe thấy.
Niềm vui là điều tuyệt vời nhất rồi, nhưng nếu trong lúc xảy ra bất đồng nhỏ, trẻ bắt đầu hét lên tức giận và nổi cơn thịnh nộ, lúc đó trẻ nên được hướng dẫn cách kiểm soát cảm xúc của mình. Đơn giản nhất bố mẹ có thể yêu cầu trẻ im lặng, hít thở sâu, bố mẹ sẽ cùng con nhẩm đếm từ 1 đến 10, nói nhẹ nhàng với trẻ: “ Khi nào con bình tĩnh hơn chúng ta sẽ cùng nói chuyện nhé!”.
5.Tập cho trẻ tính tự giác
Trẻ nên học cách kỷ luật bản thân và cần có kỹ năng và ý thức tự giác làm những việc cần thiết như tự phục vụ bản thân, làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ, chăm sóc em nhỏ….Trẻ phải tự tạo lập thói quen tốt như: đánh răng trước khi đi ngủ, cất gọn đồ chơi và tự làm bài tập về nhà, tự sắp xếp sách vở theo thời khóa biểu. Và việc của bố mẹ là nên để trẻ tự giác và tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình, duy chỉ việc vệ sinh răng miệng hàng ngày là việc cần kiểm soát con hàng ngày.
6. Hãy để cho trẻ mắc lỗi khi cần


Cố gắng không bảo vệ con một cách thái quá. Tất nhiên là bố mẹ cần trang bị các kỹ năng cho trẻ và giải thích cho trẻ những điều có thể gây nguy hiểm cho trẻ như cách sử dụng điện an toàn, cách giữ an toàn khi làm việc nhà, kỹ năng đi đường an toàn, cách tự vệ khi giao tiếp với người lạ…
Nhưng bố mẹ có thể cho đứa trẻ tự do khi quyết định những việc cá nhân của trẻ như quan hệ bạn bè, tự lựa chọn trang phục, món ăn vặt, bạn bè chơi cùng, môn thể thao yêu thích hay được làm gì vào dịp cuối tuần…. Điều này sẽ cho phép chúng học hỏi từ những sai lầm và tích lũy kinh nghiệm cá nhân của riêng mình, điều này sẽ thật sự hữu ích trong tương lai. Hãy nhớ rằng thành công, hạnh phúc hay sai lầm, vấp ngã và thất vọng đều là một phần của cuộc sống và chính những điều này cũng giúp trẻ trưởng thành hơn nhiều.

0344 118 366